Khảo sát nhanh ở quy mô nhỏ của thầy giáo dạy toán tại Hà Tĩnh về hiểu biết của trò về các kỹ năng sống đưa ra một lát cắt đáng suy ngẫm về giáo dục.“Mình thử làm một điều tra “xã hội học” nhỏ về học sinh một lớp chọn 12 của trường”, thầy Trần Đình Trợ, giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ.
1. Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó: Có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.
2. Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi “chó ngoi nác lụt” (Chó ngoi nước lụt – PV). Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn “xuống nước, ba ngày sau mới nổi”.
3. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát.
4. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.
5. Có 45/45 em đọc sách, (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó có 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng kí mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.
6. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.
Chắc các em sẽ toại nguyện.”
Lời cảnh tỉnh
Trao đổi với VietNamNet, thầy Trợ chia sẻ thêm: Hiện nay phụ huynh muốn dành hết thời gian cho con học. Thậm chí, học sinh lớp 12 bố mẹ vẫn phải đưa đi đón về vì lo con sa vào những cám dỗ khác. Khi mà các địa điểm như sân bóng, ao hồ, bãi cỏ để các em vui chơi dần bị thu hẹp, thì các nhà hàng, quán nét, hay thậm chí là nhà nghỉ lại trở thành nơi lui tới của nhiều học sinh.
Tại trường, các thầy cô và nhà trường chạy theo bệnh thành tích và vì vụ lợi muốn có tiền dạy thêm nên tìm mọi cách nhồi kiến thức cho học sinh. Điều này đã “cướp” mất gần như toàn bộ thời gian vui chơi, thời gian sống với xã hội, sống với gia đình của các em.
Thầy Trợ chia sẻ một câu chuyện nhỏ: “Khi giáo viên chúng tôi lập tổ sách, truyện cho học sinh. Những cuốn như Chiến tranh và hòa bình, Ba người lính ngự lâm,..rất hay nhưng chính phụ huynh nhờ thầy cô không cho con mượn sách để tập trung vào học”.
Chuyện học sinh lớp 12 không hoặc chưa từng biết đến rửa bát, lau nhà, đến bộ phận của xe đạp dù đơn giản theo thầy Trợ đã không phải hiếm.
Nhà trường nhẹ kĩ năng sống, lo dạy thêm dạy văn hóa chính áp lực nhiều phía vừa chủ quan khách quan làm mất thời gian học sinh. “Ngày lễ tết, đi tảo mộ, đi nhà thờ,…nhiều ông bố bà mẹ cũng thay con đảm nhiệm. Trẻ chỉ biết đến học và học. Những quy tắc ứng xử trong gia đình, phép xã giao bình thường không ít em cũng không biết. Điều đó thật nguy hiểm” – thầy Trợ tâm sự.
Nền giáo dục lại chạy theo nhu cầu giả tạo của dân (học để thoát li lao động) bằng cách mở thêm các trường CĐ và ĐH đào tạo nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… mà không có công việc cho họ sau khi ra trường, sẽ dẫn đến cảnh thất nghiệp tràn lan.
Thầy Trợ nói: “Đây thực sự là tiếng nói cảnh tỉnh đến học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Nền giáo dục VN đang đi lạc hướng, nặng kiến thức, nhẹ dạy kỹ năng sống”.
ConversionConversion EmoticonEmoticon